Do cây cói sau khi thu hoạch phải được phơi khô nên tranh thủ những ngày nắng nóng, nông dân huyện Quảng Xương đã triển khai nhiều biện pháp tránh nắng, tập trung nhân lực xuống đồng thu hoạch cói cho kịp tiến độ để chăm sóc vụ sau
Hiện nay, huyện Quảng Xương có tổng diện tích đất trồng cói là 550 ha với trên 5.000 hộ làm nghề trồng cói, tập trung chủ yếu ở 6 xã: Quảng Khê, Quảng Trường, Quảng Phúc, Quảng Long, Quảng Ngọc và Quảng Văn. Năm nay, mùa thu hoạch cói của bà con nông dân trên địa bàn huyện bắt đầu diễn ra từ giữa tháng 4 âm lịch. Thời tiết nắng nóng gay gắt đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thu hoạch cói của người dân, nhưng lại thuận lợi cho việc phơi cói. Để tránh nắng, ngoài chọn thời điểm cuối chiều, bà con nông dân còn tranh thủ ra đồng lúc nửa đêm để thu hoạch cói. Anh Nguyễn Xuân Khánh, trú tại thôn Ngọc Bình, xã Quảng Phúc nói: " Nhà tôi trồng được hơn 1 ha cói, ban ngày nắng nóng, nên gia đình chúng tôi phải dậy từ 2h sáng đi cắt cói, buổi chiều thì ra đồng từ 4h đến 8h tối là về. Nắng nóng tuy vất vả nhưng lại là thời tiết tốt cho việc phơi cói nhanh khô, chất lượng tốt, giá bán năm nay cũng tăng cao hơn nhiều so với mọi năm, dự kiến sau khi trừ chi phí, vụ cói này gia đình tôi thu được khoảng 65 triệu đồng”.

Cánh đồng cói xã Quảng Phúc
Nghề trồng cói tuy có thu nhập cao hơn so với trồng lúa, nhưng rất vất vả. Để tạo nên sợi cói mềm, dai, phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, cói sau khi thu hoạch được người dân giũ sạch cỏ rác, phân thành 3 loại để chẻ rồi mới đem phơi khô để loại bỏ phụ phẩm. Trong đó, khâu chẻ cói là quan trọng nhất vì mất nhiều thời gian và công sức, bởi nếu không chẻ cói kịp thời, để héo sẽ rất khó chẻ. Bà Nguyễn Thị Nhung, thôn Ngọc Nhị, xã Quảng Phúc chia sẻ: “ Gia đình tôi thu hoạch cói từ giữa tháng 4 âm lịch cho đến nay, so với trồng lúa, trồng cói vất vả hơn nhiều nhưng cho thu nhập cao hơn. Để tránh nắng nóng như đổ lửa, vợ chồng tôi phải dậy từ 2 hoặc 3 giờ sáng, mang theo bóng đèn tích điện, bình ắc quy ra đồng thu hoạch cói. Với 7 sào cói, vụ này gia đình tôi thu hoạch được gần 4 tấn. Cây cói từ lâu đã trở thành nguồn thu nhập chính, giúp cải thiện đời sống cho gia đình chúng tôi và bà con trong xã”.

Nông dân thu hoạch cói
Đến thời điểm này, nông dân trồng cói huyện Quảng Xương đã thu hoạch được khoảng 60% diện tích. Năm nay, do giá phân bón tăng cao, khiến cho chi phí đầu tư vào cói gặp nhiều khó khăn nên năng suất cói cuối vụ đạt thấp, nhưng bù lại giá bán lại tăng cao hơn nắm ngoái, nên bà con cũng rất phấn khởi. Cói sau khi phơi khô, được thương lái từ các nơi về thu mua với giá 17 triệu đồng/ tấn. Như vậy, 1 sào cói cho thu nhập từ 7 đến 8 triệu đồng. Sau mỗi vụ thu hoạch, người trồng cói chỉ việc chăm sóc bằng cách làm cỏ, bón phân bón cây sẽ mọc trở lại và nhanh phát triển cho vụ tiếp theo.
Từ hiệu quả của cây cói, hiện nay các địa phương có diện tích trồng cói đang tích cực vận động nông dân tham gia hợp tác xã, sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn để nâng cao giá trị sản phẩm, tăng nguồn thu nhập; đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thuỷ lợi nội đồng vùng cói để tạo thuận lợi cho người dân trong sản xuất, giao thương, nhằm góp phần gìn giữ và phát triển được nghề trồng cói truyền thống trên địa bàn huyện Quảng Xương.