.jpg)
Chứng nhận Sản phẩm lá xông cảm lạnh đạt OCOP 3 sao
Nhận thấy giá trị của cây dược liệu, chị Nguyễn Thị Lan Anh - chủ cơ sở Đông y Quang Anh, xã Quảng Khê, huyện Quảng Xương đã mày mò nghiên cứu, phát huy bài thuốc dân gian để bào chế ra nhiều sản phẩm hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, trong đó có sản phẩm Lá xông cảm lạnh của cơ sở Đông y Quang Anh đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao theo Quyết định số 590/QĐ-UBND ngày 19/02/2020 của UBND tỉnh Thanh Hóa.
.jpg)
Sản phẩm lá xông cảm lạnh
Lá xông cảm lạnh gồm nhiều loại thảo dược kiếm được ở vườn nhà hoặc mọc hoang như hương nhu, cúc tần, sài hồ, lá bưởi, lá sả, lá tía tô thường có vị cay, tính ấm chứa nhiều tinh dầu có khả năng phát tán các loại khí độc xâm nhập vào cơ thể con người, có tác dụng hoạt huyết, tiêu ứ trệ mang lại cảm giác dễ chịu, nhẹ nhàng cho người sử dụng.
Với sự hoài cổ và trân quý những nét độc đáo mà thiên nhiên ban tặng, không muốn nét riêng ấy của làng quê Việt Nam bị mai một đi, bản thân lại là người may mắn được sinh sống ở vùng đất Quảng Xương có điều kiện tốt trồng các loại thảo dược đã thôi thúc chị Nguyễn Thị Lan Anh - chủ cơ sở Đông y Quang Anh kiếm tìm, sưu tầm và chắt lọc nên lá xông cảm.
Cảm lạnh thường khiến cho nhiều các bộ phận bị suy yếu và gây ra một số bệnh. Sản phẩm lá xông cảm lạnh là sự kết hợp của các loại lá hương nhu, cúc tần, sài hồ, lá bưởi, lá sả, lá tía tô được phơi khô tự nhiên, đóng gói, hút chân không để bảo quản tốt. Ngày nay quá trình đô thị hóa phát triển làm cho việc tìm kiếm các loại lá xông trở nên khó khăn, bất tiện. Hình ảnh nồi lá xông ấm áp có hương thơm ngào ngạt càng ít dần đi thậm chí còn trở nên xa lạ đối với một số trẻ em thành thị nhưng đối với chị Lan Anh việc duy trì bài thuốc lá xông truyền giúp mọi người chăm sóc sức khỏe tốt hơn, giảm thiểu tình trạng sử dụng kháng sinh đang diễn ra như hiện nay.
Để có nguồn nguyên liệu ổn định, ngoài việc thu mua các cây thuốc của bà con thu hái ngoài tự nhiên. Chị cũng trực tiếp hướng dẫn các hộ dân trồng dược liệu tại vườn nhà. Do đó nhiều hộ dân ở xã Quảng Khê ngoài làm ruộng đã có thu nhập thêm từ việc cải tạo những mảnh vườn nhỏ để trồng cây dược liệu, để cung cấp cho cơ sở bào chế thuốc Nam của chị Lan Anh.
.jpg)
Công đoạn đóng gói sản phẩm
Nhờ có nguồn gốc tự nhiên an toàn và hiệu quả, hiện các sản phẩm thảo mộc của chị Lan Anh được tiêu thụ thị trường trong và ngoài tỉnh như Hà Nội, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai… cơ sở tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người dân địa phương với mức thu nhập từ 3-4 triệu đồng. Đồng thời tạo cơ hội để người dân địa phương cải tạo vườn tạp phát triển cây dược liệu có giá trị hơn.
Lá xông cảm lạnh là bài thuốc gắn kết giữa những tinh túy của truyền thống với những tiện dụng của đời sống hiện đại ngày nay. Dù ra đời trong thời đại nền kinh tế thị trường nhưng vẫn mang đầy đủ linh hồn của dân tộc với sự mộc mạc, bình dị và gần gũi.